Khi khách hàng bắt đầu quá trình tìm kiếm lực lượng lao động freelance, ưu tiên chính của họ không phải là thuê được một freelancer với mức giá rẻ nhất, mà là làm thế nào để họ có thể nhận được kết quả tốt nhất theo đúng tiến độ thời gian, và tất nhiên, với một mức giá hợp lý.
Đối với việc thuê một freelancer làm việc từ xa, mọi khách hàng đều có xu hướng sợ rủi ro nếu freelancer không ở ngay bên cạnh họ. Điều đó có nghĩa là ngay từ đầu họ đã rất miễn cưỡng, đặc biệt trong trường hợp họ chưa từng hợp tác với một freelancer bên ngoài trước đó.
Trong video có tên ‘Raising the Bar’ dưới đây, Matthew Mottola, đồng thời là tác giả của cuốn sách The Human Cloud, đã đi sâu vào tìm hiểu hành vi và suy nghĩ của các khách hàng hiện tại và tiềm năng của bạn và từ đó đưa ra 3 cách thức để bạn áp dụng và ký kết thành công hợp đồng thực hiện dự án với các khách hàng tiềm năng mới và biến họ thành khách hàng thường xuyên của mình. Xem toàn bộ video ở bên dưới!
Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu rõ hơn về suy nghĩ phổ biến của khách hàng đối với việc thuê freelancer.
1. Khách hàng thường sợ gặp rủi ro
Đối với nhiều khách hàng, việc thuê một freelancer có thể là một điều gì đó hoàn toàn xa lạ với họ. Chính vì vậy, họ chắc chắn sẽ có rất nhiều sự do dự khi bắt đầu tìm kiếm nhân tài làm việc từ xa. Liệu bạn có thể cung cấp kết quả dự án theo đúng tiến độ hay không và chi phí cho bạn có nằm trong khoản ngân sách dự kiến của họ hay không? Đó chỉ là một số lo ngại có thể khiến khách hàng của bạn lùi bước.
2. Khách hàng không biết cách thuê bạn
Cho dù bạn có tin hay không, rất nhiều khách hàng không thực sự biết làm thế nào để thuê bạn vì họ không phải lúc nào cũng nhận thức được họ cần những kỹ năng cụ thể nào để hoàn thành công việc và rất có thể họ cũng không biết được mức giá trung bình của dự án. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội để bạn tham gia vào hành trình và thiết lập mối quan hệ, duy trì tương tác và cuối cùng là đạt thỏa thuận triển khai dự án. Bạn có thể hiện thực hóa điều đó bằng cách thể hiện cho họ thấy được những lợi ích và giá trị cụ thể mà họ sẽ nhận được từ việc cộng tác với bạn.
3. Khách hàng không muốn quản lý bạn
Các khách hàng hoàn toàn không muốn phải quản lý bạn vì đó là điều họ có thể nhờ một đơn vị cung ứng dịch vụ lao động làm cho họ. Họ muốn BẠN độc lập và cung cấp sản phẩm/ dịch vụ theo cách bạn đã đề xuất với họ lúc đầu. Vì vậy, đối với các bước tiếp theo, bạn có thể làm gì để hoàn tất thỏa thuận với những khách hàng này và có được nhiều thu nhập hơn? Hãy chia nhỏ phương pháp tiếp cận khách hàng của bạn thành ba giai đoạn: trước tiếp xúc khách hàng, trong quá trình tiếp xúc khách hàng và sau tiếp xúc khách hàng.
4. Chuẩn bị trước biểu mẫu cung ứng dịch vụ
Giai đoạn trước khi tiếp xúc khách hàng có nghĩa là mọi thứ sẽ diễn ra trước khi khách hàng liên hệ với bạn. Do vậy, điều bạn cần làm là giúp họ tìm thấy bạn cũng như bộ kỹ năng, năng lực và phẩm chất chuyên môn của bạn một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất có thể. Bạn nên tạo dựng một số biểu mẫu cung ứng dịch vụ để khách hàng có thể chọn danh mục sản phẩm/ dịch vụ nào họ muốn mua trên trang web hoặc trang hồ sơ truyền thông xã hội của bạn. Bạn cũng nên tạo một đường link liên hệ trong biểu mẫu đó để khi họ quyết định mua các dịch vụ của bạn, họ có thể đặt lịch chat với bạn ngay lập tức.
5. Chuẩn bị sẵn một số câu hỏi hay cho cuộc gọi với khách hàng
Khi bạn có cuộc gọi điện thoại đầu tiên với khách hàng tiềm năng, hay còn gọi là giai đoạn tiếp xúc khách hàng, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị trước một danh sách các câu hỏi thực sự hay dành cho họ. Cuộc trò chuyện nên diễn ra một cách tự nhiên nhưng bạn có thể đưa vào một số câu hỏi hay nhất để hỏi như: Bạn sẽ được đo lường hiệu quả công việc như thế nào? Điều gì là quan trọng nhất đối với họ? Tại sao họ lại cần bạn và đâu là lựa chọn thay thế của họ? Ngoài ra, bạn chỉ nên nói trong khoảng 30-40% thời lượng của cuộc trò chuyện và phần còn lại để họ trả lời những câu hỏi mở của bạn.
6. Gửi đề xuất thực hiện dự án
Giờ đây, sau khi kết thúc cuộc trò chuyện tuyệt vời với họ, hãy chuyển sang giai đoạn sau tiếp xúc khách hàng. Đây là lúc bạn nên gửi cho họ một mẫu hóa đơn hoặc đề xuất thực hiện dự án đầy đủ, trong đó nêu rõ tất cả những công việc bạn có thể cung cấp cho khách hàng của mình. Bằng cách đó, khách hàng của bạn có thể biết chính xác những gì họ đang mua từ bạn ở một nơi tập trung.
Lời kết
Tóm lại, điều quan trọng mà bạn cần hết sức lưu ý đó là mọi khách hàng của bạn đều vô cùng bận rộn với doanh nghiệp của họ hàng ngày. Thêm nữa, trong đầu họ luôn có sự do dự về việc thuê bạn bởi vì họ không biết chính xác những gì họ đang tìm kiếm và chắc chắn họ không muốn quản lý bạn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu tất cả những lo lắng đó nếu tạo dựng được một quy trình trước, trong và sau tiếp xúc khách hàng hợp lý và khoa học. Đặc biệt hơn nữa, thông qua quy trình này, khách hàng sẽ dễ dàng biết được họ đang mua chính xác những gì từ bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện một cuộc gọi điện thoại tuyệt vời với khách hàng, kèm theo những câu hỏi tuyệt vời và sau đó ngay lập tức gửi đến họ một hóa đơn chào hàng hoặc một đề xuất thực hiện dự án.